Đây là chia sẻ của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình - Hòa Bình Corp (mã HBC) về tương lai của ngành xây dựng Việt Nam.
3 năm trở về trước các nhà thầu xây dựng nước ngoài gần như phủ kín các công trình nhà ở, khách sạn, tổ hợp thương mại có giá trị thi công cao ở các thành phố lớn Việt Nam; đặc biệt là các công trình do nước ngoài, các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp đầu tư. Việc doanh nghiệp xây dựng Việt chen chân vào làm tổng thầu các công trình nói trên là khá hiếm.
Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, những cái tên như Coteccons, Hòa Bình Corp xuất hiện trên các công trình giá trị lớn với vai trò là tổng thầu nhiều hơn. Các nhà thầu xây dựng nội cũng mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi nộp hồ sơ tham dự mời làm tổng thầu công trình của các chủ đầu tư lớn. Điều này cho thấy doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có đủ năng lực, có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhà thầu nước ngoài. Đây thực sự là một tín hiệu tích cực đối với ngành xây dựng trong nước.
Bằng chứng là Coteccons đã thắng thầu trước các nhà thầu ngoại một loạt dự án khủng như The Landmark 81, Hồ Tràm Strip (Bà Rịa – Vũng Tàu), Goldmark City, Diamond Island,… hay như Hòa Bình Corp mới đây vừa được chọn làm tổng thầu siêu dự án Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay (Đà Nẵng) có tổng mức đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng…
Mặc dù thị trường xây dựng nhà cao tầng, siêu cao tầng, các tổ hợp thương mại, khách sạn… ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, nhưng ông Lê Viết Hải cho rằng, đã đến lúc ngành xây dựng Việt Nam phải phát triển ra thị trường quốc tế. Nếu không tiến ra thị trường quốc tế, trong tương lai các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể đánh mất thị trường nội địa do công nghệ lạc hậu, tụt hậu về quản lý cũng như “chảy máu” lượng nhân công có tay nghề.
Bởi, Việt Nam có lợi thế về con người, đặc biệt là nhân công xây dựng khi mà nhân công Việt Nam trong ngành được đánh giá có tay nghề cao. Các nhà thầu lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản đã mời lao động ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài làm việc, tại sao nhà thầu Việt Nam lại để nhà thầu nước ngoài làm khai thác lợi thế đó. Con người là tài sản quý, được xem là mấu chốt thành công trong cạnh tranh của các nhà thầu.
Giá thầu ở thị trường nước ngoài hiện đang gấp đôi, thậm chí gấp ba giá thầu tại Việt Nam, quy mô thị trường rộng lớn, với nguồn nhân lực hiện tại, công nghệ và năng lực quản lý đã đạt đến tầm quốc tế đủ khả năng cạnh tranh cao thì không có lý do gì các nhà thầu Việt không tiến ra thị trường xây dựng nước ngoài.
Việc phát triển thị trường nước ngoài còn giúp các nhà thầu Việt trau dồi và nâng cao năng lực thi công, quản lý, công nghệ… không bị tụt hậu trước các đối thủ ngoại, để tránh bị thua ngay trên sân nhà khi mà các đối thủ ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, nguồn lực con người ngành xây dựng hiện Việt Nam có khoảng 9.000 kỹ sư/triệu dân, gấp 3 lần so với mức bình quân của thế giới là 3.000 kỹ sư/triệu dân. Sẽ có lúc thị trường xây dựng nội địa bị bão hòa, và lực lượng xây dựng nói trên sẽ bị dư thừa. Vì vậy cần phải phát triển ra thị trường nước ngoài để tránh giai đoạn bão hoà, đảm bảo việc làm ổn định cho các kỹ sư, lao động trong ngành.
Tuy nhiên, để phát triển ra thị trường quốc tế các doanh nghiệp xây dựng nội ngoài nỗ lực của chính doanh nghiệp, họ cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách, quy hoạch ngành… đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Đây cũng là một cách thức góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Viết bình luận